Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

doanh nghiep va nguoi tieu dung can quan tam toi thuong mai dien tu

Thương mại điện tử đã phổ biến với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thương mại điện tử thực sự hữu ích, doanh nghiệp cần có hoạch định chiến lược phát triển phù hợp và rất cần sự hợp tác từ phía người tiêu dùng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần quan tâm đến thương mại điện tửĐầu tư phát triển nguồn nhân lực trực tiếp ứng dụng và triển khai thương mại điện tử sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn ứng dụng thương mại điện tử ở mức cao hơn thì cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển nguồn nhân lực. Có thể cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, hoặc có thể khai thác nhiều tài liệu hướng dẫn về thương mại điện tử trực tuyến, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử trên cơ sở gắn chặt với chiến lược kinh doanh dài hạn của riêng doanh nghiệp mình, xác định rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội; có thể làm thay đổi cấu trúc các ngành kinh tế cũng như từng doanh nghiệp. Ngoài ra, chiến lược ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp cũng phải phù hợp với mức độ phát triển chung của Chính phủ điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin và internet trên phạm vi toàn quốc và tại địa phương; bám sát các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử của cơ quan quản lý nhà nước các cấp khi xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp mình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.Trong khi doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử thì người tiêu dùng là đối tượng hướng tới loại hình giao dịch điện tử B2C (giao dịch trực tuyến giữa nhà cung cấp với khách hàng). Người tiêu dùng cần thay đổi tập quán mua sắm, tích cực tham gia mua sắm trên mạng và nâng cao ý thức sử dụng mạng. Bảo vệ người tiêu dùng là một vấn đề lớn trong hoạt động thương mại truyền thống và càng trở nên cấp thiết trong các giao dịch trực tuyến, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, tương tự như hoạt động thương mại truyền thống, người tiêu dùng phải tìm hiểu rủi ro khi tham gia mua bán thông qua các loại hình dịch vụ từ thương mại điện tử nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra khi thông tin cá nhân liên quan tới mua bán trực tuyến bị lưu trữ và sử dụng bất hợp pháp. Người tiêu dùng cũng cần tích cực tham gia góp ý cho các cơ quan hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về những quy định liên quan tới thương mại điện tử gây cản trở tới quyền lợi của mình. Thực tiễn cho thấy những hành vi không lành mạnh diễn ra cực kỳ phức tạp, nhưng lại khó xác định danh tính của những kẻ chủ mưu và tham gia trực tiếp trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng công nghệ tiên tiến và biện pháp chuyên môn, các cơ quan bảo vệ pháp luật rất cần sự giúp đỡ, phối hợp của người tiêu dùng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi không lành mạnh trên môi trường mạng, nhất là việc cung cấp thông tin về các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại tới lợi ích về vật chất và tinh thần của người tiêu dùng.

HOÀNG TRỌNG TRỌNG
Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét